Nhắc đến Đà Nẵng, có lẽ phải đến 99% khách du lịch nghĩ tới cái tên Cầu Rồng. Vậy vì sao cây cầu này nổi tiếng tới mức trở thành biểu tượng cho cả một thành phố? Và liệu cây cầu có thực sự xứng đáng với sự nổi tiếng ấy???
Với vị trí nằm bắc qua dòng sông Hàn, cây cầu sừng sững và nổi bật giữa trung tâm thành phố, khiến bất kỳ người dân Đà Nẵng nào khi nhìn vào cũng thấy tự hào vô cùng. Cây cầu được xây dựng theo kiểu kiến trúc mang hình dạng một con Rồng thời Lý, lại hướng về phí Đông, như vươn mình bay ra biển lớn, một ý tưởng vô cùng ý nghĩa thể hiện khát vọng ngày càng phát triển lớn mạnh của thành phố Đà Nẵng và còn tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của Đà Nẵng.
Rồng vàng vươn ra biển lớn. Ảnh: DANANGFANTASTICITY
Không chỉ đẹp, cây cầu này còn mang trên mình rất nhiều điều thú vị với người dân Đà Nẵng và cả khách du lịch.
1. Là sự tuyển chọn trong tổng số 17 phương án thiết kế khác nhau
17 phương án thiết kế, 8 đơn vị chuyên về xây dựng tham gia thi đấu nhằm chọn ra kiến trúc độc đáo nhất. Những con số này đủ cho thấy kỳ vọng của người dân và chính quyền Đà Nẵng đối với công trình này ra sao. Cuối cùng, phương án thiết kế cầu Rồng do công ty tư vấn Louis Berger Group, Inc.(Mỹ) trên ý tưởng thể hiện hình dáng rồng đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn đã vượt qua 17 thiết kế khác và được lãnh đạo thành phố chọn lựa.
Khởi công ngày 17/09/2009 với tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng; sau 4 năm, vào ngày 29/03/2013, cầu lần đầu tiên được thông xe, vừa đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng. Cầu Rồng hoàn thành, góp sức với cầu Trần Thị Lý, cầu sông Hàn trở thành tuyến giao thông huyết mạch của thành phố.
Cầu Rồng là tuyến giao thông quan trọng của Đà Nẵng.
2. Thiết kế hiện đại với nhiều điểm nhấn nổi bật

Hạng mục dầm thép gồm tổng số 34 đốt dầm với khoảng 3.500 tấn thép cường độ cao là phần chiếm giá trị lớn nhất trong dự án xây dựng cầu Rồng. Trong đó, 24 đốt dầm do Công ty CP Cơ khí 121 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 sản xuất và 10 đốt dầm còn lại do Công ty Cơ điện miền Trung đảm nhận. Toàn bộ vật liệu chế tạo dầm thép được nhập từ Hàn Quốc. Đặc biệt, các dầm thép của công trình cầu Rồng có kết cấu hình hộp thay vì hình chữ I như các công trình khác, trong đó đốt dầm thép nặng nhất có trọng lượng lên đến 144 tấn. Để hoàn thành sản xuất một đốt dầm thép này mất trung bình 12 ngày trong điều kiện thời tiết thuận lợi với khoảng 60 kỹ sư, công nhân/dây chuyền/ca và sản xuất theo phương thức gối đầu.

3. Các sự kiện nổi bật trên cầu Rồng
Phun lửa, phun nước
Hiện nay, vào tối thứ 7, Chủ Nhật hàng tuần và vào các dịp lễ lớn của Việt Nam, cầu Rồng đều thực hiện trình diễn phun lửa, phun nước. Trong khoảng thời gian trình diễn, toàn bộ hoạt động giao thông trên cầu đều dừng lại.
Màn trình diễn đầu tiên là màn phun lửa với 2 lượt mỗi lượt 9 lần. Qua đo đạc thử nghiệm, cây cầu trong một đêm diễn, tiêu thụ từ 54-81 lít dầu và khoảng 2kWh điện cho việc phun lửa. Tổng chi phí theo thời giá lúc đó từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Trong tương lai, hệ thống thiết bị phun lửa sẽ được cải tiến theo kiểu “Rồng ngậm ngọc”, khi phun lửa, nửa phần phía trước của viên ngọc sẽ mở ra và khi phun xong, viên ngọc sẽ tự động đóng lại.
Màn phun nước khá ngắn ngủi gồm có 3 lượt mỗi lượt chỉ 1 lần. Chi phí cho một đêm Rồng phun nước (3 phút) chỉ tốn khoảng 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng theo thời giá lúc thử nghiệm. Một lần phun (3 phút), cần 20m3 nước và 40kWh điện. Con Rồng không phun dòng nước đặc mà phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện khát vọng vươn xa của Đà Nẵng. Để làm điều này, cầu được thiết kế bồn chứa 20 mét khối nước và 325 mét khối khí nén, tao ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc 1.944 l/s
Đứng xem ở khoảng cách gần hoàn toàn có thể khiến du khách bị ướt.
Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (DIFF)
Đà Nẵng không chỉ là điểm đến của những bãi biển đẹp, những ngôi chùa cổ kính và đồ ăn ngon mà còn là nơi tổ chức những sự kiện quốc tế nổi tiếng như Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng. Mỗi năm một lần, các đội thi pháo hoa đến từ mọi nơi trên thế giới sẽ tập trung tại thành phố ven biển này để tham dự cuộc thi pháo hoa lớn nhất trong năm. Các màn bắn pháo hoa sẽ diễn ra trên sông Hàn, nên cầu Rồng là một địa điểm tuyệt vời để ngắm pháo hoa miễn phí.
4. Một số danh hiệu mà Cầu Rồng đạt được
Năm 2014, trang web nổi tiếng Viralnova đã xếp cầu Rồng của Việt Nam vào top những cây cầu mang vẻ đẹp ấn tượng, thần tiên nhất thế giới, đứng cùng hàng ngũ với cầu Infinity (Anh), cầu Mặt Trăng (Đài Loan), cầu Fort de Roovere (Hà Lan),….
Cầu Rồng cũng góp phần đưa Đà Nẵng lọt vào top điểm đến của thế giới. Năm 2019 , Đà Nẵng nằm ở vị trí thứ 15 trong danh sách 52 điểm đến do tạp chí The New York Times bình chọn, gồm những thiên đường du lịch như: Puerto Rico, Panama, Munich …Trước đó, vào năm 2015, Đà Nẵng cũng vào top 52 của The New York Times nhưng xếp ở vị trí 43/52.